Skip to main content

Nhà thờ đá Sapa có gì thú vị mà ai tới Sapa cũng phải check in

| admin

Nhà thờ đá Sapa chắc hẳn là cái tên quen thuộc mà ai cũng biết khi nhắc tới du lịch Sapa. Được coi là biểu tượng của Sapa, nhà thờ đá thu hút khách du lịch bởi lối kiến trúc độc đáo khi kết hợp giữa nét cổ kính của phương Tây cùng nét thuần tự nhiên của núi rừng Tây Bắc. Tất cả tạo nên một nhà thờ đá rất riêng, hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Cùng Sapadi đi tìm nguyên do vì sao nhà thờ đá lại hút khách đến ghé thăm và check in như thế nhé!

Nhà thờ đá Sapa xây dựng từ năm nào?

Nhà thờ đá Sapa hay còn được biết đến với cái tên nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi được khởi công xây dựng vào năm 1926. Đến năm 1935, nhà thờ mới chính thức được khánh thành và mở cửa cho mọi người vào làm lễ. Ra đời những những năm đầu của thế kỉ XX, trải qua 86 năm gìn giữ và phát triển, nhà thờ đá vẫn luôn được coi là biểu tượng hàng đầu của thị trấn Sapa.

Nhà thờ đá Sapa Nhà thờ đá Sapa
Nhà thờ đá Sapa xây dựng từ năm nào?

Nằm ngay sát quảng trường trung tâm thị trấn, nhà thờ đá chính là “người” chứng kiến các hoạt động sinh hoạt văn hóa và tôn giáo của các giáo dân tại địa phương. Nếu đến Sapa vào dịp cuối tuần, hãy nhớ tạt qua nhà thờ đá để có thể tham gia vào điệu múa của các cô gái người Mông và hòa cùng tiếng sáo ngân nga trong gió của các chàng trai Mông nhé.

Kiến trúc của nhà thờ đá Sapa

Do được chính tay kiến trúc sư người Pháp thiết kế nên nhà thờ đá mang phong cách kiến trúc Pháp rất rõ rệt. Từ khi bắt đầu hình thành ý tưởng xây dựng, nhà thờ đã được ấn định hướng Đông tức hướng mặt trời mọc để đón lấy nguồn ánh sáng và năng lượng của Chúa Giesu. 

Kiến trúc của nhà thờ đá Sapa

Một đặc điểm giúp du khách nhận biết ra nhà thờ đá từ xa là nhờ phần mái nhà thờ. Lấy ý tưởng từ lối kiến trúc Gothic La Mã, phần mái được thiết kế với hình vòm cuốn đặc trưng, đơn giản nhưng không kém phần tinh tế. Quan sát xung quanh nhà thờ, không khó để bạn thấy rằng đá tảng là vật liệu chính được sử dụng cho tường, chúng gắn lại với nhau bằng sự tổng hòa của các vật liệu gồm vôi, cát, mật mía.

Kiến trúc của nhà thờ đá Sapa

Theo các nguồn tin chính thống, tổng diện tích khu nhà thờ đá lên đến 6000 m2 và được chia ra làm nhiều khu vực như: khu nhà thờ, khu vườn Thánh, khu nhà Thiên Thần, khu chăn nuôi,… Trong đó, khu nhà thờ chiếm 500m2, khu Thiên Thần sẽ gồm chỗ ở cho các giáo dân từ xa tới hoặc bệnh nhân,… 

Kiến trúc của nhà thờ đá Sapa

Nhắc đến nhà thờ, chúng ta không thể không nhắc đến “trái tim” của nhà thờ đá Sapa, đó chính là tháp chuông. Với độ cao hơn 20m, tháp chuông có trọng trách “bảo vệ” quả chuông nặng đến 500 kg được đúc từ năm 1932.  Đặc biệt, do tháp được đỡ trên một giá gỗ Pơ mu nên dù trải qua bao nhiêu sự tàn phá của thời gian cũng như mưa gió, phần giá đỡ vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp của mình cũng như là một bệ đỡ vững chắc cho tháp chuông.  

Tiến sâu vào trong nhà thờ, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi lối kiến trúc đậm chất Châu Âu mà nơi đây sở hữu. Mỗi chi tiết dù là nhỏ nhất đều mang vẻ đẹp tinh tế, hoa mỹ, nhìn cũng đủ biết công đoạn thiết kế được tiến hành kỳ công và tỉ mỉ như thế nào.

Đặc biệt, khu giáo đường rộng lớn với 32 ô cửa kính đủ màu sắc, vẽ hình các màu nhiệm mân côi, các thánh và chặng đường thánh giá. Chi tiết này được xem là điểm nhấn đẹp mắt của kiến trúc nhà thờ.

Nhà thờ đá Sapa có gì thú vị?

Nhà thờ đá là nơi du khách lựa chọn đến thăm đầu tiên khi đến du lịch vùng Tây Bắc. Đây là địa điểm thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc sinh sống tại nơi đây. Phía trước nhà thờ có khoảng sân rộng nên được tận dụng làm nơi tập trung buôn bán và trao đổi hàng hóa của người dân địa phương.

Nhà thờ đá Sapa có gì thú vị?

Nếu muốn trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc vùng cao – phiên chợ tình, bạn chớ lỡ hẹn Sapa vào tối thứ 7 hàng tuần. Đến vào thời điểm này, ngoài việc được vào vai một người mua chính hiệu, du khách còn được thưởng thức tiếng kèn, sao, đàn môi vang vọng và lắng nghe những bài hát thánh ca cầu nguyện bằng tiếng H’mông của các em thiếu nhi.

Để nói về ấn tượng của nhà thờ đá Sapa, có lẽ phải nói đến vẻ đẹp của nhà thờ vào những ngày mù sương và tuyết phủ trắng rừng đầu tiên. Nhà thờ đá Sapa trong tuyết trắng trông chẳng khác gì một tòa lâu đài cổ tích. Chìm trong sương khói, nhà thờ thoắt ẩn thoắt hiện đầy vẻ kỳ bí, không khỏi khiến lòng người vì thế mà bâng khuâng.

Ở nhà thờ đá Sapa, mỗi mùa đều hiển hiện một nét đẹp riêng biệt. Nếu không thể đến chiêm ngưỡng tòa lâu đài ẩn mình trong lớp tuyết trắng, bạn có thể đến gặp nhà thờ vào một ngày đầy nắng để chiêm ngưỡng hình ảnh nhà thờ “dắt” ánh nắng, chìm vào ánh mặt trời. 

Những địa điểm vui chơi gần nhà thờ đá

  • Núi Hàm Rồng: Nằm ngay ngắn phía sau nhà thờ đá Sapa, núi Hàm Rồng là một điểm đến hấp dẫn dành cho những ai mong muốn ngắm nhìn Sapa từ trên cao và trải nghiệm cảm giác săn mây.
  • Chợ Sapa: Chợ Sapa được coi là một nét truyền thống của người Sapa gìn giữ và phát triển được đến tận ngày nay. Chợ có quy mô khá lớn, là nơi tập trung của các tiểu thương đến buôn bán đủ loại mặt hàng từ rau củ, thịt cá đến quần áo, thuốc bắc, đồ thổ cẩm, đặc sản thịt trâu gác bếp, gà đen,…
  • Bản Cát Cát: Cách thị trấn Sapa cũng như nhà thờ đá chừng 2km, bản Cát Cát được mệnh danh là ngôi làng cổ đẹp nhất Tây Bắc. Vì thế, nếu còn dư dả thời gian, bạn hãy lên kế hoạch khám phá bản nhé.

Sapa là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh hữu tình và ấn tượng. Do đó để kể ra những địa điểm du khách có thể tham quan ở Sapa không phải là một điều gì khó khăn. Nhưng nói gì thì nói, giữa hàng chục điểm đến du lịch, ấn tượng về nhà thờ đá vẫn luôn là sâu đậm nhất trong lòng khách du lịch khi đến Sapa. Bởi vậy, đây là địa điểm mà Sapadi khuyến khích bạn nên tới thăm ít nhất một lần khi đến Sapa nhé.

Bài viết liên quan